Nếu thực hiện 3 phương án Công ty Hòa Bình đề xuất sẽ tiết kiệm ngân sách, đem lại lợi ích cho người dân

  04/07/2022
img
Nếu thực hiện 3 phương án Công ty Hòa Bình đề xuất sẽ tiết kiệm ngân sách, đem lại lợi ích cho người dân - Ảnh 1.

 

 

PV: Thưa ông, ông có thể cho biết ý tưởng về phương án giải pháp thoát nước, chống ngập của Hà Nội mà Công ty Hòa Bình đề xuất? Cơ sở nào để Hòa Bình đưa ra phương án này?

Ông Nguyễn Hữu Đường: Mấy năm gần đây cứ vào mùa mưa bão hàng năm, Hà Nội lại  ngập thành sông. Tình trạng này gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp, thiệt hại cho ngân sách mỗi năm hàng ngàn tỉ đồng.

Trước thực trạng này, Trung tâm nghiên cứu của chúng tôi đã tiến hành tham khảo, thu thập thông tin các mô hình thoát nước đô thị tiên tiến của các quốc gia trên thế giới để trên cơ sở đó tìm ra giải pháp phù hợp cho Hà Nội.

3 phương án Hòa Bình đề xuất sẽ mang lại lợi ích, hiệu quả cao nhất cho người dân, tiết kiệm cho ngân sách  - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Công ty Hòa Bình.

Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy hiện nay trên  thế giới cơ bản có 6 cách chống ngập, tuy nhiên biện pháp chống ngập của Tokyo (thành phố có 36 triệu dân) là đáng học hỏi nhất. Hệ thống thoát nước mưa của  họ đầu tư 5 tỉ USD và mỗi năm chỉ sử dụng hệ thống này từ 8 - 10 lần, còn lại làm nơi tham quan cho người dân thành phố.

Hệ thống thoát nước của họ gồm 12 giếng, mỗi giếng có đường kính 32m và độ sâu 65m, được kết nối với nhau bằng đường ống và dùng bơm cao áp để bơm cưỡng bức nước mưa chảy vào giếng chứa để từ đó đổ ra các con sông của Tokyo. Từ  khi có hệ thống thoát nước này, Tokyo không còn ngập nữa.

Phương án về hệ thống thoát nước của Công ty Hòa Bình có tham khảo hệ thống thoát nước của Tokyo và căn cứ từ thực tế của Hà Nội. Phương án của chúng tôi gồm 8 giếng, mỗi giếng có đường kính 30m, độ sâu 45m, trong đó 4 giếng tại 2 quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng được kết nối bơm ra sông Hồng và 4 giếng tại  2 quận Đống Đa và Ba Đình  bơm ra sông Tô Lịch.

Theo tính toán của chúng tôi, 8 giếng này cộng với đường ống, sơ bộ kinh phí xây dựng khoảng 2.400 tỉ đồng, tương đương 100 triệu USD. Nếu so sánh thì hệ thống thoát nước ngập này chỉ bằng 1/50 hệ thống thoát nước của Tokyo. Thời gian thi công tối đa 12 tháng là có thể đưa vào sử dụng, tiết kiệm cho người dân, doanh nghiệp và ngân sách dành cho chống ngập hàng ngàn tỉ đồng.

Nếu thực hiện 3 phương án Công ty Hòa Bình đề xuất sẽ tiết kiệm ngân sách, đem lại lợi ích cho người dân - Ảnh 3.

 

PV: Còn ý tưởng về phương án quy hoạch hệ thống tàu điện ngầm, thưa ông?

3 phương án Hòa Bình đề xuất sẽ mang lại lợi ích, hiệu quả cao nhất cho người dân, tiết kiệm cho ngân sách  - Ảnh 4.

 

Ông Nguyễn Hữu Đường: Lý do nghiên cứu phương án này là chúng tôi đọc các thông tin báo chí đưa báo cáo tài chính của Công ty đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông doanh thu năm 2021 là 5 tỉ đồng, nhưng lỗ do chi phí vận hành là 53 tỉ đồng. Thực tế, đây chưa tính khoản lãi vay phải trả: Tổng đầu tư khoảng 18.000 tỉ đồng, lãi vay ưu đãi tối thiểu 5% thì một năm cũng phải trả lãi 900 tỉ đồng, cộng chi phí vận hành nữa thành con số thực lỗ là 953 tỉ đồng.

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chắc chắn đều biết con số lỗ này. Chính vì vậy, tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội hiện đã tạm dừng thi công vì nếu tuyến đường này đi vào hoạt động, lỗ lãi vay cộng với chi phí vận hành còn cao hơn.

Sau khi các phương tiện báo chí đăng như vậy, chúng tôi đã tham khảo mạng lưới quy hoạch tàu điện ngầm đô thị tại các nước phát triển trên thế giới, đặc biệt là mạng lưới tàu điện do người Pháp thiết kế, xây dựng tại Hà Nội trước đây, từ đó đưa ra phương án thiết kế hệ thống tàu điện ngầm cho thủ đô Hà Nội.

Theo phương án này, chúng tôi chia hệ thống tàu điện ngầm của Hà Nội thành ba tuyến chính và ba nhánh phụ, nhà ga trung tâm sẽ đặt ở quảng trường trước cửa Nhà hát Lớn. Hệ thống tàu điện ngầm này sẽ đi theo trục tàu điện nổi ngày xưa Pháp thiết kế, nhưng đi ngầm dưới các công viên, khu công cộng để không phải tốn nhiều chi phí giải phóng mặt bằng, việc thi công rất dễ dàng do áp dụng công nghệ hiện đại, có thể làm cả ngày đêm mà không làm ảnh hưởng nhiều đến giao thông hàng ngày đi lại của người dân.

Tuy nhiên, khi triển khai cần phải khởi công tất cả hệ thống này cùng một lúc, dự kiến tối đa 5 năm phải hoàn thành.

3 phương án Hòa Bình đề xuất sẽ mang lại lợi ích, hiệu quả cao nhất cho người dân, tiết kiệm cho ngân sách  - Ảnh 5.

 

Chính phủ có thể đấu thầu nhà đầu tư, yêu cầu cam kết thời gian thi công, nếu chậm tiến độ thì bị phạt nặng.

PV: Như vậy, theo ông phương án này là rất khả thi?

Ông Nguyễn Hữu Đường: Đúng. Chúng tôi cho rằng hiệu quả của việc này nhìn rất rõ: Chính phủ không lo mất chi phí đầu tư mà sẽ kêu gọi xã hội hóa vì tiền thu được từ bán vé tàu tối thiểu 1 USD/vé, trung bình mỗi ngày từ 200 - 500.000 lượt người đi lại trong hệ thống tàu diện ngầm thì việc thu hồi vốn từ 30 - 50 năm hoàn toàn khả thi.

Như vậy, đi từ sân bay Nội Bài về Hà Nội, mỗi người chỉ mất khoảng 10 USD, mà lại đảm bảo sức khỏe, giảm ô nhiễm môi trường.

Chưa kể nguồn lợi thu được từ các Trung tâm thương mại, nhà ga ngầm cung cấp các loại dịch vụ ăn uống, mua sắm hàng hóa cũng kích thích tiêu dùng trong nước.

Nếu thực hiện 3 phương án Công ty Hòa Bình đề xuất sẽ tiết kiệm ngân sách, đem lại lợi ích cho người dân - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Hữu Đường giải thích về bản quy hoạch dân cư và giao thông Hà Nội.

PV: Được biết, ý tưởng về phương án thứ 3 về quy hoạch dân cư và giao thông của Hà Nội, Công ty Hòa Bình phải đầu tư nhiều công sức để nghiên cứu và tìm hiểu. Đề nghị ông cho biết kỹ hơn về phương án này?

Ông Nguyễn Hữu Đường: Năm 2018, Hà Nội đã mở cuộc thi tìm kiếm các giải pháp tích cực chống ách tắc giao thông. Tôi nhớ đã có một ý kiến được quan tâm là phân luồng xe lưu thông trên đường theo biển số chẵn - lẻ gây tranh cãi. Phương án đó bất khả thi. Cho đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu nào khắc phục và tình trạng ách tắc giao thông ngày càng trầm trọng, gây thiệt hại hàng tỉ USD/năm.

Trung tâm nghiên cứu của Công ty Hòa Bình đã tìm hiểu quy hoạch thủ đô các nước như Tokyo (Nhật Bản), Sydney (Australia), Paris (Pháp), Washington (Mỹ)…, để đưa ra thiết kế bản đồ quy hoạch về dân cư và giao thông Hà Nội tối ưu nhất, làm giảm 70 - 80% mật độ giao thông và ô nhiễm môi trường, giảm ách tắc giao thông trên địa bàn thủ đô.

Nếu thực hiện 3 phương án Công ty Hòa Bình đề xuất sẽ tiết kiệm ngân sách, đem lại lợi ích cho người dân - Ảnh 8.

 

Việc bố trí sắp xếp lại quy hoạch dân cư như vậy, tôi tin rằng mật độ dân số sẽ đều, làm việc ở đâu thì sinh hoạt ở đó, hạn chế đi lại, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường do khói bụi của các phương tiện giao thông gây ra.

Thực tế hiện nay, giao thông hỗn loạn là do các trường đại học, bệnh viện đều tập trung ở trung tâm thành phố. Việc gây ách tắc giao thông, đặc biệt là vào giờ cao điểm là không tránh khỏi.

Tôi tin rằng ý tưởng 3 phương án trên sẽ giải quyết cơ bản các vấn đề đang nổi cộm của Hà Nội. Nếu không kiên quyết tìm kiếm biện pháp khả thi, 5 - 10 năm nữa, tình trạng ách tắc này càng nặng nề hơn. Quan trọng hơn nếu đưa vào áp dụng các phương án này, sẽ giảm ô nhiễm không khí, giảm chi phí về y tế, giảm gánh nặng cho người dân.

3 phương án Hòa Bình đề xuất sẽ mang lại lợi ích, hiệu quả cao nhất cho người dân, tiết kiệm cho ngân sách  - Ảnh 9.

 

PV: Lý do nào mà ông cho rằng ý tưởng 3 phương án đề xuất này nếu thực hiện sẽ  tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước?

Ông Nguyễn Hữu Đường: Năm 2015, tôi có viết đề án xây dựng trung tâm thương mại miễn phí mặt bằng cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Theo đề án này, sẽ có 7 trung tâm và một viện nghiên cứu hỗ trợ cho hoạt động của các doanh nghiệp và người dân tham gia sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt, có giá thành rẻ để bán tại các trung tâm. Nếu đề án được Nhà nước ủng hộ, chúng tôi khẳng định sau 5 năm, đề án sẽ phát huy hiệu quả, đất nước ta sẽ giảm số lượng người nghèo, kinh tế sẽ phát triển, nợ công sẽ giảm dần. 

 

 
Chúng tôi xây dựng ý tưởng về 3 phương án này trong... 16 tiếng đồng hồ.
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Công ty Hòa Bình

Tôi thấy vấn đề nổi cộm của chúng ta hiện nay là muốn giảm được nợ công, việc đầu tiên chúng ta phải giảm được biên chế trong bộ máy hành chính. Phải làm sao cùng một vấn đề nhưng tìm ra hướng giải quyết nhanh nhất, hiệu quả nhất, tiết kiệm cho ngân sách. Nói thật, ví dụ như quy hoạch hệ thống tàu điện ngầm do các cơ quan nhà nước đang nghiên cứu, xây dựng, thì tôi thấy rất khó khả thi, nhiều năm nữa cũng chưa làm được. Riêng vấn đề chống ngập cho Hà Nội thôi mà 20 năm nay nghiên cứu, thực hiện dự án này, dự án kia nhưng thực trạng "phố bỗng thành sông" sau những cơn mưa lớn vẫn chưa được khắc phục.

Ý tưởng 3 phương án Công ty Hòa Bình đề xuất, chúng tôi tin tưởng có tính khả thi, có thể ứng dụng triển khai được nếu Chính phủ cho phép. Nếu được triển khai thì sẽ làm thế nào để có thời gian thi công nhanh, giá thành rẻ, tiết kiệm nguồn nhân lực sao cho hiệu quả nhất, giúp tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước. 

3 phương án Hòa Bình đề xuất sẽ mang lại lợi ích, hiệu quả cao nhất cho người dân, tiết kiệm cho ngân sách  - Ảnh 11.

Ông Đường cho biết Hòa Bình mất 8 tiếng đồng hồ để xây dựng phương án bản đồ quy hoạch dân cư và giao thông thành phố Hà Nội.

Tôi nhấn mạnh rằng chúng tôi xây dựng ý tưởng 3 phương án này trong… 16 tiếng đồng hồ. Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm này từ thực tế năm 2005, khi tôi được ở trong đoàn doanh nhân tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải sang Mỹ. Khi đến Washington, người Mỹ mời đoàn đi thăm khu tưởng niệm binh sĩ Mỹ tử trận tại chiến trường Việt Nam mới được khánh thành. Người Mỹ chia sẻ, để có được thiết kế khu tưởng niệm này, họ đã mở một cuộc thi quy hoạch kiến trúc với giải thưởng 1 triệu USD.

Kết quả, người Mỹ nhận được hàng ngàn đề án dự thi, nhưng trúng giải là một cô sinh viên người Nhật Bản học đại học ngành kiến trúc năm thứ nhất. Theo chia sẻ của cô, cô đã xây dựng ý tưởng này chỉ  trong vòng một giờ đồng hồ. Ý tưởng thiết kế là: trên khu đất 5 ha là công viên trên mặt đất, bên trong đào các đường hào rộng 3m, sâu 2,5m; và trên từng thành hào gắn bia đá granit ghi tên từng binh sĩ tử trận; đường hào chạy vòng tròn, ở dưới là nhà triển lãm.

Lời bình của cô sinh viên Nhật như sau: Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là nỗi đau, nhân dân Mỹ muốn quên đi nên thiết kế như một công viên cho mọi người đi dạo, muốn tưởng nhớ thì đi xuống lòng đất ngắm nhà triển lãm…

Từ câu chuyện này, tôi thấy tại Việt Nam, khi có các vấn đề thì nên mở cuộc thi để tìm giải pháp tốt nhất, tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước, chống lãng phí.

Nếu thực hiện 3 phương án Công ty Hòa Bình đề xuất sẽ tiết kiệm ngân sách, đem lại lợi ích cho người dân - Ảnh 12.

 

PV: Câu hỏi cuối cùng, tại sao ông lại dành cuộc trao đổi này cho Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học?

Ông Nguyễn Hữu Đường: Vì tôi hướng tới gần 22 triệu hội viên của Hội Khuyến học Việt Nam và bạn đọc cả nước.

Ý tưởng 3 phương án chúng tôi đề xuất ở đây phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học. Tạp chí có chuyên mục "Góc nhìn công dân", mà ở đó công dân nhìn nhận, đánh giá, đóng góp ý kiến về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, đưa ra các ý kiến phản biện, biện giải những vấn đề trong xã hội, đề xuất các phương án theo tiêu chí khoa học mang lại lợi ích, hiệu quả cho người dân, tiết kiệm cho ngân sách quốc gia.

Câu kết tôi muốn nói: Tôi luôn mong muốn tìm kiếm những giải pháp tốt nhất cho Hà Nội. Tôi khẳng định có thể dự thi nếu như Hà Nội tổ chức cuộc thi tìm kiếm giải pháp cho 3 vấn đề nêu trên.

Nếu thành phố Hà Nội đề nghị, tôi sẽ có thiết kế cụ thể phương án thoát nước mưa chống ngập tặng Hà Nội để tổ chức đấu thầu. Tôi tin tổng mức đầu tư công trình này chỉ bằng ¼ tổng mức đầu tư ngân sách  mà các cơ quan chức năng lâu nay tính toán.

Tin tức mới