Đây là hoạt động tri ân thiết thực và ý nghĩa đối với các thương binh nặng, những người đã để lại một phần xương máu trên chiến trường vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Chương trình được thực hiện trong vòng 1 tháng, kéo dài từ nay đến ngày 19-8-2022 với khoảng 10 đợt đón tiếp. Hơn 11 nghìn thương binh hạng 1/4 (tỷ lệ thương tật 81% trở lên) trên cả nước được mời về Hà Nội giao lưu, gặp gỡ và tham dự các hoạt động.
Tiết mục văn nghệ do các cựu chiến binh, thương binh biểu diễn tại buổi gặp mặt thương binh nặng. |
Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), các sở, ngành, cơ quan chức năng về lao động, thương binh và xã hội tại các tỉnh, thành phố trên cả nước phối hợp với Tập đoàn Hòa Bình triển khai chương trình này, trong đó có việc lên danh sách các đồng chí thương binh nặng trên cả nước và thực hiện các công việc chuẩn bị khác.
Bên cạnh gặp gỡ, các thương binh nặng cũng vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan các di tích lịch sử tại Hà Nội như Hoàng thành Thăng Long, đền Ngọc Sơn, tượng đài Vua Lý Thái Tổ, gò Đống Đa... Tổng kinh phí cho chương trình khoảng 100 tỷ đồng.
Đơn vị lên ý tưởng và tổ chức chương trình là Tập đoàn Hòa Bình, tiền thân là Tổ hợp thương binh nặng Hòa Bình, doanh nghiệp do các cựu chiến binh, thương binh nặng tại Hà Nội thành lập vào năm 1987. Trong số hơn 3.000 thành viên của đơn vị hiện nay, phần lớn là thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh và con em các gia đình chính sách, trong đó hơn 100 người là thương binh nặng.
Theo ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Bình, chiến tranh đã lùi xa nhiều năm, nhưng hàng nghìn thương binh nặng vẫn chưa có cơ hội được đến Thủ đô Hà Nội và đa số họ cũng tuổi đã cao, sức khỏe ngày càng yếu. Thấu hiểu nguyện vọng của các thương binh nặng, Tập đoàn Hòa Bình quyết định tổ chức các buổi giao lưu, gặp gỡ để chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng giữa các đồng chí thương binh.