Ngày 20/3, tại khu công nghiệp Tiên Sơn (Tiên Du, Bắc Ninh), Công ty TNHH Hòa Bình (Công ty Hoà Bình) đã tổ chức lễ công bố quyền tác giả cho sản phẩm đường sắt đô thị trên cao chịu lực bằng cọc bê-tông ly tâm V+, đường cao tốc chịu lực bằng cọc bê-tông ly tâm V+ và khánh thành đường mẫu đường sắt trên cao và đường cao tốc trên cao.

Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả của hai mẫu công trình trên do Cục trưởng Cục bản quyền tác giả (Bộ VH-TT&DL) công nhận vào tháng 12/2023 cho ông Nguyễn Hữu Đường (được nhiều người biết đến với tên gọi Đường “bia”), Chủ tịch Công ty Hoà Bình. 

Đường mẫu đường sắt trên cao và đường cao tốc trên cao được khánh thành sau thời gian dài chuẩn bị. 

W-cao-toc-tren-cao-duong-bia-vietnamnet-1.jpgCận cảnh đoạn đường mẫu. Ảnh: Hồng Khanh

Đường sắt trên cao đã lắp đường ray dài 100m, rộng 4,1m; Đầu tàu dài 3,8m và toa tàu dài 11,5m, rộng 2,8m có thể chở 100 người, tốc độ 100 km/h đã được thi công xong, nghiệm thu và chạy thử tại nhà máy Đường Malt, khu công nghiệp Tiên Sơn, Bắc Ninh.

Theo ông Nguyễn Hữu Đường, đường sắt đô thị trên cao và đường cao tốc chịu lực bằng cọc bê-tông ly tâm V+ là các dự án tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường.

W-duong-sat-tren-cao-duong-bia-vietnamnet-1.jpgTàu điện vàng chạy trên đường mẫu đường sắt đô thị trên cao chịu lực bằng cọc bê tông ly tâm V+. Ảnh: Hồng Khanh

Ông Đường “bia” mong muốn việc công bố các mô hình mẫu về cao tốc cầu cạn, đường sắt đô thị trên cao sẽ giúp giảm một phần chi phí đầu tư các tuyến cao tốc cầu cạn, đường sắt đô thị trên cao thời gian tới.

Ông Christian Bargmann, đại diện Tập đoàn Rieckermann - nhà cung cấp dịch vụ của Đức cho hay, một cánh cửa mới trong ngành xây dựng Việt Nam được mở ra sau khi thí điểm. Singapore đã chọn con đường này, bắt đầu từ việc hoàn thiện tòa nhà chung cư với 1.074 căn hộ vào năm 2013. Tiếp đó là Malaysia, Indonesia và chẳng bao lâu nữa Việt Nam sẽ có bước phát triển về lĩnh vực này. 

Công nghệ xây dựng hiện đại nhằm mục đích tiết kiệm tài nguyên và giảm chất thải. Sử dụng các vật liệu và khái niệm thay thế. Công trường xây dựng sạch sẽ và nhanh chóng, giảm tác động đến môi trường xung quanh.

TS. Trần Bá Việt, Phó Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam, đánh giá, mẫu cao tốc cầu cạn của Công ty Hoà Bình là một trong những giải pháp có thể áp dụng cho xây dựng cao tốc cầu cạn tại miền Tây. Giải pháp này phù hợp với những vùng đất yếu không quá sâu, đất đắp không quá cao. 

“Ưu điểm của giải pháp này là thi công nhanh, kết hợp giữa công nghệ đúc sẵn phiến dầm với đổ bê tông tại chỗ, kết hợp với cọc bê tông ly tâm. Chất lượng thi công sẽ tin cậy hơn, ít phải giải phóng mặt bằng, không ảnh hưởng đến môi trường, không phải làm hầm chui, hầm gom, không phải thiết kế giải pháp tiêu thoát nước, không cần làm lưới bảo vệ hai bên cao tốc. Vì vậy, giá thành sẽ rẻ hơn một số giải pháp khác, kể cả giải pháp cát đắp nền”, ông Việt phân tích.