Từ người đạp xích lô đến ông chủ doanh nghiệp lớn

  26/08/2021

Doanh nhân từng đạp xích lô thuê

Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường từng có những năm tháng chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1979, sau khi xuất ngũ, ông Đường bắt đầu theo đuổi giấc mơ làm giàu với ý chí sục sôi.

Ông Đường chia sẻ, từ năm 1981, ông đã kiếm sống bằng nghề chuyên chở thuê bia hơi bằng xích lô mỗi ngày. Mỗi ngày, ông chạy khắp phố phường Thủ đô năm nào và được trả tiền công 1 thùng bia trị giá 60 đồng (tương tương cả tháng lương một kỹ sư khi ấy).

Suốt nhiều năm rong ruổi với nghề đạp xích lô, ông đã tích lũy được một số tiền và nảy ra ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh. Cuối năm 1986, ông Đường quyết định mua đất thành lập Tổ hợp thương binh nặng Hòa Bình để tạo công ăn việc làm cho nhiều anh em đồng đội, trong đó có 7 thương binh. Tổ hợp của ông làm nhiều nghề như làm nút chai cho nhà máy rượu đến sản xuất nước ngọt, nước đá, đóng bia…

Năm 1988, kinh tế đất nước ngày càng phát triển, ông và các đồng nghiệp chuyển sang làm nhà máy bia với và kinh doanh phát đạt. Từ đó, cái tên đại gia Đường “Bia” đã ra đời.

Từ người đạp xích lô đến ông chủ doanh nghiệp lớn
Ông Nguyễn Hữu Đường – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình

Sau khi đã có của ăn của để, doanh nhân Đường “Bia” đầu tư thêm mảng BĐS và trở thành “đại gia” BĐS có tiếng ở đất Hà thành. Công ty TNHH Hòa Bình ngày càng phát triển mạnh mẽ với hàng chục công ty thành viên, tổng tài sản đạt tới nhiều ngàn tỷ đồng.

Chia sẻ về bí quyết thành công, ông Đường nói: “Những gì tôi có được ngày hôm nay phần lớn đến từ may mắn. Ngoài ra sự thông minh, nhanh nhạy, bản lĩnh của người đứng đầu và sự trung thực cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của doanh nghiệp. Không chỉ vậy, lãnh đạo doanh nghiệp phải không ngừng sáng tạo, tìm tòi cái mới”.

Ấp ủ công trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Không dừng lại ở những thành quả đã đạt được, doanh nhân Nguyễn Hữu Đường tiếp tục ấp ủ triển khai là Dự án TTTM Outlet V+ mang ý nghĩa xã hội lớn.

Ông Đường cho biết, dự án là khát vọng TTTM Outlet V+ tại Thủ đô Hà Nội và sau đó trải rộng đến 62 tỉnh/thành còn lại của đất nước. Điều “khác người” của mô hình này chính là miễn phí tiền thuê mặt bằng cho người kinh doanh. Mục đích là để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có “đất” kinh doanh hàng Việt Nam. Ông muốn hỗ trợ tinh thần “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” trước áp lực của hàng ngoại ngày một nhiều. 

Doanh nhân Đường “Bia” chia sẻ: “Ví dụ như Aeon Mall bán hàng của Nhật, Lotte bán hàng của Hàn Quốc, Big C bán hàng của Thái, còn Việt Nam có gì? Nhiều hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại do người Việt mở ra, nhưng không hoàn toàn bán hàng Việt Nam và cũng không miễn phí tiền thuê mặt bằng cho doanh nghiệp”.

Với mô hình này, người tiêu dùng trong nước sẽ có cơ hội mua sắm hàng Việt tốt với giá rẻ. Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước cũng có cơ hội phát triển và thu hút khách du lịch đến Việt Nam.

Muốn thu hút khách du lịch thì phải có các sản phẩm có chất lượng tốt, giá rẻ. Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường cho hay: “Toàn bộ hàng hóa được bán tại TTTM Outlet V+ sẽ được mua bảo hiểm để khẳng định chất lượng. Nhằm khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, các gian hàng sẽ được thuê mặt bằng 10 năm với giá thuê chỉ 1.000 đồng/m2, phí dịch vụ bằng 70% mức phí mà các TTTM trong nước đang thu”.

Từ người đạp xích lô đến ông chủ doanh nghiệp lớn
Phối cảnh tổng mặt bằng dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại, Outlet, nhà ở Hòa Bình

Để thực hiện một công trình đặc biệt như vậy, ông Đường đã phải đi nhiều nơi thực tế, học hỏi kinh nghiệm nhiều mô hình phát triển kinh tế trên thế giới, như Trung Quốc, Dubai…

Theo ông Đường, xây dựng và vận hành một TTTM lớn là việc khó khăn, người đứng đầu doanh nghiệp phải thông minh, nhanh nhạy, biết kết hợp, huy động, sử dụng nguồn nhân lực một cách hợp lý. Ông sẵn sàng thuê các chuyên gia chuyên nghiệp, chất lượng cao đến từ các quốc gia khác như: Mỹ, Đức, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đến làm việc tại dự án. Tuy nhiên, ông vẫn phải giữ vai trò “nhạc trưởng” trong tất cả các khâu, dự án.

Đại gia Nguyễn Hữu Đường hy vọng rằng, việc ấp ủ chiến lược đầu tư xây dựng TTTM Outlet V+ theo mô hình không thu tiền mặt bằng của người bán hàng tại 63 tỉnh/thành cả nước sẽ là giải pháp tối ưu giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có điều kiện tiêu thụ sản phẩm trong nước.

Quốc Phong 

Tin tức mới