Số phận của một dự án lớn về thương mại tại Hà Nội

  25/08/2021

Có thể nói, việc dự án Tổ hợp Trung tâm Thương mại - Outlet, của Tập đoàn Hòa Bình tại Đông Anh, nếu được triển khai thì sẽ tạo động lực, điểm tựa để nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sau đại dịch.

Dự án lớn vì cộng đồng, doanh nghiệp Việt

Với khát vọng xây dựng đất nước, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiêu thụ hàng hóa, độc lập tự chủ về thương mại và đưa du lịch Việt Nam cất cánh, từ năm 2015, Công ty TNHH Hòa Bình đã đề xuất với lãnh đạo Đảng, Chính phủ và chính quyền Hà Nội xây dựng hệ thống Trung tâm thương mại (TTTM) mang tên Outlet V+. Nét độc đáo của dự án này là miễn phí mặt bằng cho doanh nghiệp Việt đến bán hàng trên toàn quốc.

Cũng từ 2015, ông Nguyễn Hữu Đường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình đã dành 25.000m2 sàn tại TTTM Hòa Bình ở 505 Minh Khai, Hà Nội để miễn phí cho các doanh nghiệp trong nước làm nơi giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm.

Dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại, Outlet, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội của Công ty TNHH Hòa Bình tại Đông Anh, Hà Nội mà ông Đường đang chờ đợi UBND thành phố Hà Nội xem xét là Dự án được thiết kế đồng bộ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo đúng quy hoạch chung của Hà Nội, phân khu đô thị N8 đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt.

Điểm nhấn của Dự án là xây dựng Trung tâm thương mại, Outlet lớn nhất Việt Nam, với cả ngàn gian hàng và đáp ứng được các yêu cầu cao nhất về kinh doanh của các nhà sản xuất, kinh doanh.

Số phận của một dự án lớn về thương mại tại Hà Nội - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hữu Đường

Theo ông Nguyễn Hữu Đường, mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng Hệ thống trung tâm thương mại, Outlet tại Hà Nội và TP.HCM cùng với các tỉnh thành trên cả nước là giúp doanh nghiệp Việt Nam làm chủ hệ thống phân phối hàng hóa, điều tiết sản xuất, tạo động lực cạnh tranh, phá thế độc quyền của nước ngoài, thúc đẩy sản xuất cho hơn khoảng 870.00 doanh nghiệp, hơn 26.000 hợp tác xã và hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh.

Ngoài ra, việc xây dựng các trung tâm thương mại, Outlet bán hàng giá rẻ hơn giá thị trường 30 - 40% (do miễn phí mặt bằng và các hỗ trợ khác) cũng sẽ góp phần thu hút số lượng lớn khách du lịch quốc tế và nội địa.

Và cũng cần phải nhấn mạnh rằng, khi dự án Đông Anh đi vào hoạt động sẽ giúp tạo ra việc làm cho hơn 20 ngàn lao động. Đặc biệt là sẽ mang lại nguồn thu cực lớn cho ngân sách. Với dự tính doanh thu của Dự án đạt 1.000 tỷ đồng/ngày, tiền thuế mà TP. Hà Nội thu được khoảng 100 tỷ đồng/ngày, tương đương hơn 36.500 tỷ đồng/năm.

Chậm trễ là mất lợi thế phát triển

Thêm một điều đặc biệt là Dự án Tổ hợp ở Đông Anh không sử dụng đến ngân sách nhà nước. Thay vào đó, Hòa Bình sẽ đóng góp nghĩa vụ tài chính để giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, phát triển mạng lưới trung tâm thương mại kết nối các tỉnh. Có nghĩa là khi dự án được phê duyệt, Nhà nước sẽ không phải bỏ ra một đồng ngân sách nào mà đất nước thêm một dự án tầm cỡ để phát triển.

Qua đó có thể thấy, dự án thể hiện rõ ý tưởng tiên phong mạnh mẽ, táo bạo nhưng không xa rời thực tế và đặc biệt là mong muốn được dấn thân, được đóng góp, cống hiến vì cộng đồng.

Số phận của một dự án lớn về thương mại tại Hà Nội - Ảnh 2.

Đánh giá về đề án này của Hòa Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã khẳng định rằng, đề án thật sự thiết thực về mặt giá trị thực tiễn, tính khả thi rất cao, đặc biệt là giai đoạn vận hành khai thác, nếu được triển khai sẽ tác động tích cực lên nhiều mặt hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam. Qua đó góp phần thực hiện thành công nhiều chính sách lớn của Đảng, Nhà nước như: Phát triển kinh tế tư nhân; Vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Từ tháng 9/2020, Công ty TNHH Hòa Bình đã có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội đề nghị chấp thuận xây dựng dự án theo hình thức thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại xã Vĩnh Ngọc (Đông Anh, Hà Nội). Tuy nhiên cho đến nay, sau gần 1 năm, đề xuất đó của Hòa Bình vẫn chưa được UBND TP. Hà Nội trả lời dứt khoát, dù dự án đáp ứng các điều kiện, căn cứ pháp lý.

Như quan điểm của Hiệp hội các Doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong bối cảnh hiện nay và sắp tới với tác động tiêu cực khôn lường từ Covid-19 thì doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, việc doanh nghiệp sớm được tham gia vào một TTTM như dự án của Hòa Bình chắc chắn sẽ mang rất nhiều thuận lợi, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, dịch vụ thương mại, thị trường; nhất là trong việc hình thành những chuỗi giá trị mới của Việt Nam cũng như dễ dàng hơn trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Tin tức mới