Chờ đợi một tổ hợp thương mại hiện đại tại Hà Nội

  24/08/2021
Từ kinh doanh bia đến bất động sản

 

Với mục tiêu xây dựng Tổ hợp trung tâm thương mại, outlet, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội đồng bộ hạ tầng xã hội, hạ tầng kĩ thuật theo đúng quy hoạch chung của Hà Nội, tháng 9/2020, Công ty TNHH Hòa Bình đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị chấp thuận nghiên cứu dự án theo hình thức thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại xã Vĩnh Ngọc (Đông Anh, Hà Nội).
Đây được xem là tâm huyết lâu năm của ông Nguyễn Hữu Đường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình, một trong những doanh nhân nổi tiếng.

 

Ông Đường là cựu chiến binh, trở về cuộc sống thường ngày với công việc đạp xích lô cho hợp tác xã của Công ty Bia Hà Nội. Tiếp xúc nhiều với bia, không ít người sẽ có thói quen uống bia mỗi ngày, nhưng ông Đường lại xem đó là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh bia.

 

Năm 1987, ông Đường khởi nghiệp ở tuổi 33 với việc thành lập Tổ hợp Thương binh nặng Hòa Bình và chuyển thành Công ty TNHH Thương binh nặng Hòa Bình vào năm 1993. Thời điểm đó, công ty của ông Đường là công ty tư nhân đần tiên sản xuất bia tại Hà Nội. Kinh doanh bia giúp ông Đường phất lên nhanh chóng và ông được biết đến với cái tên Đường “bia”.

 

Sau thành công với bia, công ty chuyển sang kinh doanh bất động sản, đồng thời đổi tên thành Công ty TNHH Hòa Bình. Các dự án của Hòa Bình đều khiến giới kinh doanh bất động sản trầm trồ bởi sự độc đáo mà ông Nguyễn Hữu Đường đã đưa vào áp dụng trong các công trình như Danang Golden Bay, tổ hợp căn hộ khách sạn lớn nhất nước hiện nay với tổng cộng 1.875 phòng, trong đó bồn rửa mặt, bồn tắm, bệ xí của các phòng và bể bơi vô cực trên nóc tòa nhà đều được dát vàng. Danang Golden Bay cũng là khách sạn có bể bơi vô cực dát vàng đầu tiên trên thế giới.

 

Với dự án khách sạn Hanoi Golden Lake, ông Đường cho ốp toàn bộ mặt ngoài toà nhà cao 25 tầng bằng gạch phủ vàng với tổng diện tích gạch phủ vàng khoảng 5.000m2.

 

Nhưng tất cả những điều đó không phải là niềm tự hào của ông Đường mà chỉ là minh chứng cho sự thành công, cho những dự án không tưởng được ông biến thành hiện thực. Ngược lại, điều ông tự hào nhất là Hòa Bình đã tạo công ăn việc làm cho trên 2.000 lao động, trong đó phần lớn là thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh và con em các gia đình chính sách.

 

Vốn là người lính từng vào sinh ra tử, Tổng giám đốc Hòa Bình hiểu hơn ai hết sự tri ân với những người đã hi sinh cho Tổ quốc và nhận thức rằng ông cần làm nhiều hơn nữa những điều ý nghĩa cho đất nước.

 

Tổ hợp sẽ thúc đẩy sản xuất

 

Trở lại với câu chuyện dự án Tổ hợp trung tâm thương mại, outlet, nhà ở Hòa Bình, để có cơ sở thuyết phục trước khi trình UBND TP Hà Nội chấp thuận cho nghiên cứu dự án, từ năm 2015, ông Nguyễn Hữu Đường đã dành 25.000m2 sàn tại TTTM Hòa Bình ở 505 Minh Khai, Hà Nội để miễn phí cho các doanh nghiệp trong nước làm nơi giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm. Đây cũng là một trong những ưu đãi của tổ hợp mà ông Đường đưa vào trong dự án đang chờ Hà Nội chấp thuận.
Theo bản thuyết trình, tổ hợp sẽ là một hệ thống trung tâm thương mại, outlet do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ đầu tư để làm chủ hệ thống phân phối hàng hóa, điều tiết sản xuất, tạo động lực cạnh tranh, phá thế độc quyền, giành lại huyết mạch tiêu thụ hàng hóa trong tay các nhà bán lẻ đang khống chế thị trường. Tổ hợp sẽ trở thành kênh tiêu thụ hàng hóa chủ động với chi phí thấp, tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất cho hơn khoảng 870.00 doanh nghiệp, hơn 26.000 hợp tác xã và hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh.

 

Đặc biệt, tổ hợp sẽ xây dựng các trung tâm thương mại, outlet bán hàng giá rẻ hơn giá thị trường 30-40% (do miễn phí mặt bằng và các hỗ trợ khác) nhằm thu hút số lượng lớn khách du lịch quốc tế và nội địa; tạo ra việc làm mang lại thu nhập cho hàng triệu người dân; mang lại nguồn thu cực lớn cho ngân sách; góp phần vào mục tiêu chống việc chuyển giá của nhà nước.

 

Ông Nguyễn Hữu Đường chia sẻ: “Khi đề án được duyệt, ngân sách nhà nước không phải bỏ ra một hào nào, nhưng đất nước phát triển”.

 

Đánh giá về dự án của Hòa Bình, trong văn bản gửi chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khẳng định: “Đây là mô hình có nhiều hoạt động gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, dịch vụ thương mại, khoa học công nghệ và thị trường. Các doanh nghiệp tham gia vào trung tâm thương mại chắc chắn sẽ thuận lợi hơn trong việc hình thành các chuỗi giá trị mới của Việt Nam, chứa đựng nhiều yếu tố tự cường”.

 

Hiệp hội cũng cho rằng đề án có tính khả thi cao, nếu được triển khai sẽ tác động tích cực lên nhiều mặt của hoạt động doanh nghiệp Việt Nam, góp phần thực hiện thành công nhiều chính sách lớn của Đảng, Nhà nước như phát triển kinh tế tư nhân, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…

 

Mặc dù mục đích và ý nghĩa của dự án đã khá rõ ràng nhưng đến nay, sau gần 1 năm đề xuất nghiên cứu thực hiện dự án của Công ty TNHH Hòa Bình vẫn chưa được UBND TP Hà Nội trả lời dứt khoát.

 

Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang cần một động lực mạnh mẽ để hồi phục sau khi đại dịch kết thúc, sự chậm trễ này rất có thể sẽ làm thui chột một dự án ý nghĩa đối với nền kinh tế.

Theo báo kinhtedothi.vn đưa tin

Tin tức mới