Dự án trung tâm outlet lớn nhất nước gần 1 năm chưa chốt được địa điểm

  30/08/2021

 Sau 1 năm nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án tổ hợp trung tâm thương mại, outlet, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội Hòa Bình dọc trục đường Nhật Tân - Nội Bài, các cơ quan chức năng của TP Hà Nội vẫn chưa đồng ý.

Mô hình trung tâm thương mại, outlet lớn nhất Việt Nam đang được đề xuất đầu tư tại Hà Nội - Ảnh: T.M

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, việc đầu tư dự án là cần thiết, góp phần hình thành nên trung tâm thương mại tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong nước theo hình thức miễn phí thuê mặt bằng.

Dự án miễn phí cho nhiều doanh nghiệp bị tắc

Trong đề xuất dự án gửi tới UBND TP Hà Nội, Thành ủy Hà Nội, Công ty TNHH Hòa Bình kiến nghị cho phép doanh nghiệp này được nghiên cứu thực hiện dự án tổ hợp trung tâm thương mại, outlet (cửa hàng bán lẻ), nhà ở thương mại, nhà ở xã hội Hòa Bình theo hình thức thỏa thuận nhận chuyển nhượng đất tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh.

Diện tích đất xây dựng dự án được nhà đầu tư đề xuất khoảng 80ha, vốn đầu tư giai đoạn 1 gần 4.900 tỉ đồng. Điểm nhấn là tổ hợp sẽ xây dựng các trung tâm thương mại, outlet bán hàng giá rẻ hơn giá thị trường 30-40% (do miễn phí mặt bằng và các hỗ trợ khác) nhằm thu hút số lượng lớn khách du lịch quốc tế và nội địa, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách; góp phần vào mục tiêu chống việc chuyển giá của nhà nước.

Sau khi nhà đầu tư đề xuất dự án, tháng 3-2021, Thành ủy Hà Nội đã có thông báo kết luận, giao cho UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND huyện Đông Anh rà soát lại các đề xuất của nhà đầu tư, xác định ranh giới cụ thể để có căn cứ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án tổ hợp trung tâm thương mại, outlet, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội Hòa Bình.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, cũng giao UBND huyện Đông Anh, Sở Kế hoạch và đầu tư căn cứ quy hoạch được duyệt để đề xuất việc tổ chức chọn nhà đầu tư.

Tuy nhiên, UBND huyện Đông Anh cho rằng ranh giới đề xuất dự án tổ hợp trung tâm thương mại, outlet, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội Hòa Bình, tại xã Vĩnh Ngọc trùng lấn với một số dự án đã được duyệt.

 

Cụ thể, dự án trùng lấn hoàn toàn với dự án "thành phố mặt trời" đã được UBND TP Hà Nội giao cho Sở Kế hoạch và đầu tư hướng dẫn Công ty CP tập đoàn Mặt Trời triển khai thủ tục đầu tư, hoàn thiện hồ sơ từ năm 2017. Ranh giới đề xuất của tổ hợp thương mại này cũng trùng lấn với các dự án xây dựng Trường tiểu học Vĩnh Ngọc; hệ thống thoát nước, hồ điều hòa, trạm bơm Vĩnh Thanh.

Đồng thời UBND huyện Đông Anh kiến nghị UBND TP Hà Nội không nghiên cứu đầu tư dự án nhà ở xã hội tại khu vực do nhà đầu tư đề xuất vì trên địa bàn đã có 2 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng 80ha, ở xã Tiên Dương.

Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa nói gì?

Trong văn bản đề nghị mới gửi tới ông Chu Ngọc Anh, chủ tịch TP Hà Nội, ông Tô Hoài Nam - phó chủ tịch thường trực, kiêm tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - cho rằng việc đầu tư trung tâm thương mại miễn phí thuê mặt bằng để hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân tiêu thụ nông sản là vấn đề được khuyến khích thực hiện trong nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước. Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đề cập vấn đề này, nhưng đến nay chưa thực hiện được.

Cũng theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ý tưởng lập 1 viện nghiên cứu, 7 trung tâm hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp trong tổ hợp trung tâm thương mại sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Một số chuyên gia khuyến nghị, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang cần một động lực mạnh mẽ để hồi phục sau khi đại dịch kết thúc, sự chậm trễ tới gần 1 năm sau đề xuất mà chưa được trả lời dứt khoát rất có thể sẽ làm thui chột các dự án ý nghĩa đối với nền kinh tế.

 

Tin tức mới