(?) Được biết đến là một doanh nhân hết sức thành đạt trong các lĩnh vực sản xuất rượu, bia nước giải khát; cơ khí và kinh doanh bất động sản, cơ duyên nào khiến ông say sưa với hàng Việt và dốc lòng cố xúy cho doanh nghiệp Việt như vậy?
- Đơn giản tôi chỉ nghĩ, trong dòng máu của mỗi người Việt Nam đều có lòng tự hào dân tộc và tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Nhờ tinh thần đó mà trên thế giới chưa có một dân tộc nào 3 lần đánh thắng quân Nguyên, 2 lần đánh bại thực dân và đế quốc sừng sỏ nhất thế giới như dân tộc Việt Nam. Công ty Hòa Bình được sáng lập bởi những thương binh nặng, những người lính trở về sau chiến tranh, bản thân tôi cũng là một bệnh binh, nên khi đất nước hòa bình, chúng tôi càng thấy mình phải có trách nhiệm xắn tay góp sức xây dựng đất nước giàu mạnh. Hiện các DN trong nước đang hết sức khó khăn, hàng ngoại lấn át hàng nội, nhiều DN phải ngừng sản xuất hoặc phá sản. Tôi cho rằng, muốn vực dậy được các DN Việt lúc này, rất cần người đi tiên phong, dám hy sinh lợi ích cá nhân để thúc đẩy phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Đây chính là động cơ khiến tôi quyết định miễn phí 50 năm tiền thuê mặt bằng TTTM V+ trị giá 500 tỉ đồng cho các DN Việt có sản phẩm chất lượng cao, giá bán cạnh tranh.
Với hành động này, tôi cũng mong muốn rằng khi các DN Việt Nam đã sản xuất được hàng hóa thì người dân trong nước cũng như kiều bào nước ngoài sẽ hết lòng ủng hộ họ. Ủng hộ DN Việt là ủng hộ đồng bào mình, ủng hộ gia đình mình, góp tay phát triển nền kinh tế và qua đó làm đất nước hùng mạnh.
(?) Các cơ quan chức năng, Bộ ngành, địa phương và cụ thể là UBND TP.Hà Nội đã phản ứng thế nào với tâm huyết này của ông, thưa ông?
- Không dám tự hào nhưng tôi dám nói mình là người tiên phong vì hàng Việt. Từ tháng 4.2008, tôi đã gửi một bức tâm thư tới Bộ Chính trị đề xuất phát huy tinh thần dân tộc “Người Việt dùng hàng Việt”. Một năm sau, Bộ Chính trị có Thông báo số 264-TB/TW ngày 31.7.2009 thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Và bây giờ, để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, năm 2014 tôi đã có văn bản gửi Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị hỗ trợ lãi suất vay cho DN mua thiết bị mới, hỗ trợ vay vốn xây dựng các TTTM của DN Việt bán hàng Việt.
Vừa rồi, tôi cũng rất mừng là đích thân Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã gặp, động viên, khuyến khích việc làm này của Công ty TNHH Hòa Bình và chỉ đạo sẽ tập trung tuyên truyền, ủng hộ và phát động phong trào Người Việt dùng hàng Việt. Tôi nghĩ, chỉ cần thêm vài DN cũng có quyết tâm ủng hộ hàng trong nước, tôi tin chắc hàng Việt sẽ phát triển.
Còn phản ứng của các địa phương thì sao? Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, chúng tôi đã dành 245.000 suất quà gửi tới các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, trong đó tỉnh Thanh Hóa 30.000 suất quà. Giá trị quà không lớn, nhưng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa rất xúc động. Thanh Hóa là một tỉnh có tới 93.000 hộ nghèo, 30.000 suất quà của chúng tôi mới chỉ giải quyết được 1/3 nhu cầu, nhưng điều làm các lãnh đạo ở Thanh Hóa mừng là tôi đã hứa chậm nhất đến giữa quý II/2015 chúng tôi sẽ xây dựng một TTTM V+ miễn phí thứ hai trên địa bàn tỉnh. Nhiều hộ nghèo vì không có công ăn việc làm. Khi các DN trong tỉnh phát triển được thì sẽ có công ăn việc làm, hộ nghèo sẽ giảm. Để thực sự hỗ trợ DN trong nước, cần nhân rộng mô hình này trên khắp 63 tỉnh thành.
(?) Nếu tâm huyết của ông có thể thành hiện thực thì việc xây dựng các TTTM sẽ thế nào, thưa ông? Vẫn có nhiều người nghi ngờ về động cơ của ông khi tuyên bố miễn phí cho thuê một TTTM hoành tráng như V+, ông nghĩ sao về việc này?
- Khi chúng tôi xin được xây dựng ủng hộ cho Thành cổ Quảng Trị một Nhà tiếp đón khách trong nước và quốc tế phù hợp với tầm vóc lịch sử của khu di tích, với diện tích gần 4.000m2 cả nhà và sân vườn, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tỏ ra lo ngại khi công trình khởi công tháng 7.2014 nhưng chúng tôi dám cam kết sẽ hoàn thành vào dịp 22.12.2014, vì thời gian quá ngắn. Tuy nhiên, đến ngày 21.11.2014, tức là chỉ sau 4 tháng, chúng tôi đã hoàn thành công trình và bàn giao cho địa phương. Đây được đánh giá là một trong những công trình chất lượng kiên cố, bền vững và thẩm mỹ cao của tỉnh. Tôi kể lại chuyện này để muốn nói một điều là chỉ sợ không có mặt bằng, nếu tỉnh nào cũng sẵn sàng dành quỹ đất cho một TTTM kiểu V+ thì tôi cam kết chỉ trong vòng 1 năm, chúng tôi sẽ hoàn thành xây dựng trên cả nước 62 TTTM V+.
Còn tôi biết, vẫn có người nghi ngờ động cơ của tôi. Bất chấp Hòa Bình Group kêu gọi nhưng trong TTTM V+ vẫn còn nhiều gian để trống. Lý do họ bảo: “Chả có ai ở Việt Nam lại tốt như thế cả. Chắc là sau này ông Đường sẽ áp giá cao, vì trước đây rất nhiều DN miễn phí mặt bằng 1-2 năm cho thuê nhưng lại bắt trả các loại phí khác cao đến 7-8 lần để bù lại”. Thực tế tôi cũng giải đáp cho những nghi ngờ ấy bằng việc thể hiện trong các hợp đồng ký với DN: Trong 50 năm không thu tiền phí mặt bằng, chỉ trả 1% trong lợi nhuận chi phí điện nước, quản lý và trong 6 tháng nếu không bán được hàng tôi sẽ trả giúp 1% này.
Tôi còn đề nghị UBND TP.Hà Nội bổ sung Giấy phép Đầu tư 50 năm TTTM V+ không thu tiền mặt bằng của các DN trong nước. Giấy phép Đầu tư đã ghi rõ thì sau này không hủy cam kết được. Năm nay tôi đã 60 tuổi, vài năm nữa tôi sẽ nghỉ hưu nhưng với giấy phép này các DN Việt cứ yên tâm mà bán hàng trong TTTM V+ ít nhất là 50 năm tới.
Tôi cổ xúy cho hàng Việt không phải để xin một nguồn tài trợ nào từ thành phố hay các địa phương. Tôi có đủ năng lực để tự làm được điều đó. Cái tôi mong muốn là các DN Việt mình sống được và cạnh tranh được với hàng ngoại.
Tôi quyết tâm mua các thiết bị máy móc sản xuất nước ngọt có gas hiện đại nhất của Đức về lắp đặt ở Việt Nam để sản xuất V Cola cũng chỉ là để khẳng định, không có gì người Việt Nam mình không làm được, khi nhà máy hiện đại bậc nhất cũng chỉ được xây dựng và đưa vào sử dụng sau 6 tháng - một tốc độ được đánh giá là nhanh nhất thế giới - và chất lượng sản phẩm thì tôi cũng dám cam kết không hề thua kém, thậm chí cao hơn chất lượng của các nhà sản xuất nước ngoài tại Việt Nam. Điều đáng nói là giá bán của chúng tôi chỉ bằng 70% giá bán sản phẩm của họ, mà vẫn có lãi. Với giá bán 5.700 đồng/lon V Cola, chỉ sau 5 ngày, các đối thủ của V Cola đã giảm giá sản phẩm 850 đồng/lon, tức gần 20.000 đồng/thùng. Tạm tính năng suất 1,15 tỉ lít/năm, với việc giảm giá này đã giảm lợi nhuận của họ hơn 1.440 tỉ đồng. Nếu bán cùng giá với V Cola mỗi năm họ sẽ mất hơn 5.000 tỉ đồng. Như vậy, người được hưởng lợi nhất chính là người dân mình, đất nước mình. Nếu sản phẩm của Việt Nam tốt, chất lượng cao thì tại sao lại không ủng hộ hàng Việt?
- Xin cảm ơn ông!