Khánh thành 2 đoạn cao tốc mẫu có độ bền ít nhất 100 năm

  21/11/2023

Công ty TNHH Hòa Bình đã hoàn thành 2 đoạn đường mẫu là cao tốc đồng bằng, vùng núi và cao tốc trên nền đất yếu khu vực đồng bằng sông Cửu Long sau 81 ngày khảo sát, thiết kế và thi công.

Khánh thành 2 đoạn cao tốc mẫu có độ bền ít nhất 100 năm
Đoạn đường cao tốc mẫu có độ bền được cho là vĩnh cửu

Theo ông Nguyễn Hữu Đường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hoà Bình, hai đường mẫu này được xây dựng theo phương pháp hiện đại, tiết kiệm nhất của trung tâm thiết kế, thí nghiệm và thử nghiệm công ty.

Đây là đường cao tốc được xây dựng theo tiêu chuẩn hiện đại, thân thiện với môi trường, có độ bền vĩnh cửu với thời gian. Dự án chịu được động đất cấp 8 và môi trường ngập úng lên đến 6 tháng mà chất lượng đường không thay đổi.

Đáng chú ý, chi phí xây dựng đường cao tốc này chỉ bằng 2/3 đường cao tốc của thế giới. 

Hai đoạn đường mẫu là cao tốc đồng bằng, vùng núi và cao tốc trên nền đất yếu khu vực đồng bằng sông Cửu Long được khảo sát, thiết kế và thi công hoàn toàn do các kiến trúc sư, kỹ sư Việt Nam và có tham khảo ý kiến của các kỹ sư cầu đường Quảng Tây - Trung Quốc, Đức, Mỹ và Nhật Bản.

Phương án thiết kế Hoà Bình đưa ra là đường cao tốc chịu lực trên các cọc ly tâm và bê tông cốt thép mác 800, đường kính 300mm, tải trọng đầu cọc 100 tấn/cọc. 

Hệ khung, dầm bê tông cốt thép dày 600mm. Sàn bê tông, cốt thép dày 410mm. Nhựa đường 8cm; nhựa chặt 16mm; 8cm nhựa Polyme; 2,2cm nhựa tạo nhám.

Nền đường không đất kiểu tấm cọc được sử dụng trong dự án là một kết cấu xây dựng nền đường rỗng cứng mới bao gồm "cọc" và "tấm". 

So với nền đường truyền thống, nền đường kết cấu cọc có độ cứng cao hơn và độ lún nhỏ hơn. Đồng thời, phương án thi công này cũng cải thiện đáng kể việc hạn chế sử dụng đất và việc khó lấy đất, khó xử lý nền đất yếu trên ruộng lúa ao. 

Nhờ phương án xây dựng này, các tuyến đường cao tốc nằm trên cao, cách mặt đất từ 50cm – 5m. Do đó, dự án không bị ngập úng và vĩnh cửu với thời gian. Tốc độ lưu thông của xe từ 120km/h trở lên; đường được làm theo tiêu chuẩn Q 50 – 50 – 4.0. Đây là tiêu chuẩn đường cao tốc Autobahn của Đức (Đường cao tốc không giới hạn tốc độ). 

Theo ông Đường, hai đoạn đường này đã thử tải tĩnh và tải động để sẵn sàng đưa vào sử dụng và thi công đường cao tốc Bắc – Nam. 

Hiện Hoà Bình đang muốn tham gia vào dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành. Tuyến đường dài gần 129km có tổng mức đầu tư ước tính khoảng 25.540 tỷ đồng. Dự án dự kiến được hoàn thành và đưa vào khai thác từ đầu năm 2026.

Tuy nhiên, dự án chưa chọn nhà đầu tư mặc dù một liên danh gồm Tập đoàn Vingroup và ngân hàng Techcombank đã được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận cho lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Ông Đường cho biết, công ty muốn tham gia vào dự án này thông qua hình thức đấu thầu công khai lựa chọn nhà đầu tư thực hiện.

Nếu được thực hiện dự án, với công nghệ làm đường cao tốc mới của Hoà Bình, ông Đường khẳng định, dự án sẽ có thời gian thi công nhanh nhất, với chi phí thấp nhất và độ bền vĩnh cửu. 

Trong khi đó, hiện nay giá làm đường cao tốc của Việt Nam là đắt nhất thế giới và tuổi thọ thì lại là thấp nhất thế giới.

Ông Đường dẫn chứng, mới đây tuyến đường cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài 51km do Hàn Quốc thiết kế, thi công và giám sát, Bộ Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư được làm theo phương pháp bù lún, sau một năm đưa vào hoạt động đã bị lún, có đoạn lún tới 50cm. Đến năm thứ hai, tuyến đường có đoạn lún tới 1m. 

Tin tức mới